Thứ năm, 28/11/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ năm, 28/11/2024 Phát thanh, truyền hình

Thứ bảy, 05/10/2024

Thị trường phát thanh truyền hình Việt Nam 2024 tiếp tục phát triển

Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2023 là 18,3 triệu, năm 2024 là 21 triệu, tăng 14%. Chỉ số thuê bao OTT năm 2023 là 5,6 triệu, năm 2024 là 7,4 triệu.

Thông tin trên được lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) tại hội thảo Hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình (PTTH) giữa Bộ TT&TT với các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ PTTH năm 2024 do Cục PTTH&TTĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức chiều ngày 4/10.

Lĩnh vực truyền hình trả tiền đã có những bước phát triển thuận lợi

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết: Năm 2024, tình hình chung của nền kinh tế đất nước có những khởi sắc hơn so với năm 2023, nhờ đó mà lĩnh vực truyền hình trả tiền (THTT) đã có những bước phát triển thuận lợi, mặc dù vẫn còn khó khăn.

Những chỉ số quan trọng đều có sự phát triển vượt bậc. Đơn cử như số lượng thuê bao THTT tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2023 là 18,3 triệu, năm 2024 là 21 triệu, tăng 14%. Số thuê bao OTT năm 2023 là 5,56 triệu, năm nay là 7,4 triệu, tăng 33%.

Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do: Doanh thu OTT năm nay bắt đầu tăng.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết doanh thu có tăng nhưng không đáng kể, khoảng gần 4%, đạt 10.305 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu OTT năm nay đã bắt đầu tăng, đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2023.

“Có được kết quả này là nhờ cố gắng tự thân của DN, sự hỗ trợ của Hiệp hội THTT Việt Nam, sự chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước”.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tự Do, hiện lĩnh vực THTT tại Việt Nam vẫn còn tồn tại 4 bài toán lớn về: Giá, bản quyền trên không gian mạng, phí bản quyền âm nhạc và xử lý tình trạng quảng cáo cờ bạc, cá độ trong các giải đấu thể thao, đặc biệt là bóng đá.

“Đối với những vấn đề này, Bộ TT&TT đã tổ chức làm việc với Hiệp hội THTT Việt Nam và các DN để đề ra phương án giải quyết”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Toàn cảnh sự kiện.

Cũng tại hội thảo, ông Bùi Huy Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý dịch vụ, Cục PTTH&TTĐT đã thông tin tổng quan về thị trường dịch vụ PTTH giai đoạnh 2023 - 2024; Cập nhật các chính sách, quy định pháp luật mới trong quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH; Tổng kết, đánh giá việc thực thi pháp luật của các DN cung cấp dịch vụ PTTH và đưa ra các lưu ý, hướng dẫn để DN thực hiện, tuân thủ đúng quy định pháp luật; Đánh giá, nhận định xu hướng của thị trường thời gian tới thông qua số liệu thị trường dịch vụ PTTH tại Việt Nam và trên thế giới.

Theo đó, trong năm 2023, toàn thị trường đạt tổng doanh thu 10.305 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022.

Tổng doanh thu mảng dịch vụ THTT truyền thống đạt 8.617 tỷ đồng, tăng 3%. Doanh thu mảng dịch vụ OTT TV đạt 1.688 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước. Năm 2023, hoạt động THTT đã đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào ngân sách.

Theo dự báo của Cục PTTH&TTĐT, doanh thu thị trường PTTH Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn năm 2023, khoảng 2,8%. Dịch vụ truyền hình OTT TV tiếp tục tăng mạnh hơn so với dịch vụ THTT truyền thống.

“Trong bối cảnh đó, các DN cung cấp dịch vụ phát thanh, THTT cần nắm bắt xu thế phát triển chung của thế giới để có phương án chuyển đổi, cung cấp dịch vụ phù hợp”, ông Bùi Huy Cường chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, tăng tính hấp dẫn, doanh thu

Cục PTTH&TTĐT khuyến nghị, các DN cần ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, nắm bắt tâm lý người dùng để giới thiệu nội dung phù hợp, quảng cáo hướng đối tượng, từ đó tăng tính hấp dẫn, doanh thu.

Các DN cũng cần thiết kế các gói sản phẩm phù hợp với từng đối tượng thuê bao, đặc biệt là các bạn trẻ.

Cục PTTH&TTĐT sẽ tích cực giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhất là các vấn đề về bảo vệ bản quyền, tính phí bản quyền, xác định chi phí hạ tầng thụ động, quản lý phát triển các nội dung giá trị gia tăng trên dịch vụ.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để DN phát triển. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng sẽ chuyển đổi số trong việc quản lý cung cấp dịch vụ để tiếp nhận báo cáo nghiệp vụ trực tuyến, cảnh báo DN kịp thời để không xảy ra tình trạng vi phạm.

Báo cáo về tình hình hoạt động của Hiệp hội THTT Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2024, ông Lê Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, đến nay, Hiệp hội đã và đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ công tác với 4 nội dung chính: Xem xét việc tiếp phát sóng nguyên trạng các giải đấu bóng đá quốc tế trực tiếp có hình ảnh về dịch vụ đặt cược và cá độ trên các kênh truyền hình; Ngăn chặn vi phạm bản quyền trên không gian mạng; Vấn đề tính phí bản quyền âm nhạc trên các kênh truyền hình; Tính giá sàn Truyền hình - Viễn thông.

Ông Lê Chí Công: Ngành truyền hình cần nâng cao chất lượng, phát triển nội dung đa dạng và tìm cách thích nghi với việc thay đổi thói quen của người xem.

Theo ông Lê Chí Công, năm 2023, thị trường truyền hình đã và đang có nhiều biến động, khán giả có xu hướng chuyển dịch thói quen xem truyền hình sang các nền tảng khác tiện dụng hơn.

Vì vậy, để cạnh tranh, ông Lê Chí Công cho rằng, ngành truyền hình cần nâng cao chất lượng, phát triển nội dung đa dạng và tìm cách thích nghi với việc thay đổi thói quen của người xem.

“Điều này không thể giải quyết một sớm một chiều mà đòi hỏi những quyết sách chủ động, ứng phó linh hoạt, sáng tạo để duy trì đà tăng trưởng, phát triển theo hướng tích cực”, ông Lê Chí Công chia sẻ./.

Nguồn https://ictvietnam.vn/thi-truong-phat-thanh-truyen-hinh-viet-nam-2024-tiep-tuc-phat-trien-66984.html